Kim Trung quá trình hình thành và phát triển

Kim Trung là một trong 3 xã ven biển của huyện Kim Sơn, có nguồn gốc thành lập từ việc quai đê lấn biển Bình Minh I và Bình Minh II.

  I. CÔNG CUỘC ĐẮP ĐÊ LẤN BIỂN HÌNH THÀNH VÙNG ĐẤT MỚI

Kim Sơn là một huyện ven biển, nằm ở phía Nam Tỉnh Ninh Bình, phía Bắc giáp huyện Yên Khánh, phía Tây giáp huyện Yên Mô, một phần giáp huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) phía Đông có sông Đáy là ranh giới với huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) phía Nam giáp Biển Đông.

  Trước năm 1829, khi chưa có con người đến khai hoang thì huyện Kim Sơn còn là một vùng đất ven biển thuộc phủ Trường Yên với trên 3000 mẫu, cỏ cây mọc um tùm. Cả một vùng bài bồi rộng lớn, hoang vu này chỉ có vài ba trại lèo tèo đó là các trại Mật Như, Yên Thổ, Ninh Mật; dân cư ở đây từ các thôn của Thổ Mật xuống với mục đích chủ yếu là giữ đất cho làng, họ sống bằng nghề nông, ngoài ra còn có nghề đánh bắt cá và chăn vịt.

Do nằm ở hạ lưu châu thổ Sông Hồng, lại có hòn Nẹ chắn bên ngoài, nên vùng bờ biển Kim Sơn có tốc độ bồi tụ rất nhanh, hàng năm tiến ra biển từ 80-100m.

Đầu năm 1827, vua Minh Mệnh sai Nguyễn Công Trứ tham gia vào đạo quân tiến đánh nghĩa quân Phan Bá Vành đang cố thủ ở Trà Lũ (Giao Thủy - Nam Định). Cũng chính qua những lần tham gia đàn áp khởi nghĩa nông dân, Nguyễn Công Trứ chứng kiến nỗi đau khổ của dân chúng, tiếp cận với vùng đất hoang vu mênh mông. Với mục đích giải quyết ruộng đất vµ cơm áo cho dân nghèo, ông đã dâng lên vua Minh Mệnh bản điều trần “ Khẩn hoang ruộng để yên nghiệp dân nghèo”. Tháng 2 năm 1829 (Kỷ Sửu) ông được vua Minh Mệnh chấp nhận và cử làm Doanh điền sứ trực tiếp tổ chức công cuộc khẩn hoang ở Kim Sơn cã sự hỗ trợ về kinh phí của nhà nước.

Chỉ trong một thời gian ngắn, với tài tổ chức của một nhà lãnh đạo, với sự nhạy bén và sáng suốt của một nhà kinh tế tài năng lỗi lạc, cùng với sự cần cù, sáng tạo của người dân, huyện Kim Sơn đã ra đời vào cuối năm 1829 với số ruộng là 14.620 mẫu, chia cấp cho 1260 đinh, thành lập 7 tổng với 60 ấp, lý, trại, giáp.

Với đặc điểm bãi bồi Kim Sơn mỗi năm tiến ra biển từ 150m đến 200m nên từ khi được thành lập đến năm 1959 huyện Kim Sơn đã tổ chức 5 lần đắp đê: Đê Ân Giang (đê đường 10) năm   1829, đê Hoành Trực (đê Văn Hải) năm 1927, đê Tùng Thiện năm 1933, đê Cồn Thoi năm 1945, đê Bình Minh I năm1959.

Như vậy phía ngoài đê Bình Minh I là vùng bãi bồi 21 năm chưa được quai đê lấn biển, nếu tính từ đê Bình Minh I đến cốt 0 đã là 4 đến 5 km tạo lên một diện tích bãi bồi ngập mặn lớn là 3.600 km2 thoải dần ra biển, thảm thực vật trên bải bồi chủ yếu là sú vẹt cỏ ngạn và lau sậy nếu phải lội từ đê Bình Minh I ra mép nước khi triều xuống thì suốt một chiều rộng 4 cây số, chiều dài 15 cây số thì sẽ không có một mô đất có thể dừng chân.

Những năm 1975-1976 Bộ tư lệnh quân khu III đã phát động phong trào “Làm giầu đánh thắng” thực hiện phong trào này Bộ chỉ huy quân sự Tỉnh Hà Nam Ninh đã có đề xuất được bộ tư lệnh quân khu III và UBND Tỉnh Hà Nam Ninh đồng ý tiến hành quai đê lấn biển ở vùng bãi biển Cồn Thoi - Kim Sơn.

Ngày 18-12-1980, công trường quai đê lấn biển  “Vươn ra biển đông làm giầu đánh thắng” mang tên công trường 500 được khởi công với sự tham gia của các đơn vị đầu tiên là Trung đoàn 586, Trung đoàn 260, Trung đoàn 182 của Quân khu III, “Công trường 1080” của Quân đoàn 1, Trung đoàn 535 của Bộ Tư lệnh Công binh…với những con đường đầu tiên được phát tuyến và đắp đó là: BM1, BM3, BM7, BM9

Việc đắp đê lấn biển lần này có nhiều thuận lợi do  được kế thừa kinh nghiệm của 5 lần đắp đê trước. Tuy vậy cũng gặp phải muôn vài khó khăn vì đắp một con đê với chiều dài gần 15km và xây dựng hàng loạt các công trình nội đồng là một công việc vô cùng lớn lao cần một đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, một cơ chế quản lý, sự ủng hộ của nhà nước là điều không thể thiếu. Những lúc đầu với quan điểm dùng vốn tự có, vừa qua đê lấn biển vừa khai thác “lấy ngắn nuôi dài” nên đời sống của bộ đội gặp muôn vàn khó khăn cơm không đủ no, thực phẩm đắt đỏ, nước ngọt thiếu thốn, muỗi bọ rất nhiều, khủng khiếp hơn là cơn bão số 7 năm 1981 đã làm cuốn trôi đi gần như hết công lao hàng ngàn con người.

Nhưng với quyết tâm của những người lính cụ Hồ, những người đã chiến thắng đế quốc sừng sỏ nhất thế giới thì không có thể làm họ chùn bước, bằng mọi biện pháp vừa rút kinh nghiệm, vừa tiếp tục xác định rõ hướng đi, xác định rõ cơ chế thực hiện, cuối cùng luận chứng kinh tế-kỹ thuật của công trình đã được nhà nước chấp thuận. Ngày 9-12-1983, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký quyết định giao quyền chủ đầu tư cho Bộ Tư lệnh Quân khu III. Như vậy từ tháng 4-1983 công trường lấn biển Cồn Thoi được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Cục hậu cần quân khu III và được nhà nước cấp vốn đây là sự cởi lút hết sức quan trọng tạo những điều kiện thuận lợi để công trường bước vào giai đoạn mới gác lại giai đoạn các đơn vị tự bỏ vốn bỏ sức lực, tự thương lượng với nhau mà làm. Với sự quyết tâm với một ý chí sắt đá vướt qua mọi khó khăn sóng gió và thử thách, các đơn vị quân khu III, quân đoàn I, bộ tư lệnh công binh, Đảng bộ nhân dân huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, nhân dân một số huyện tỉnh Hà Nam, Nam Định, Sơn Tây, Hải Hưng từ năm 1980-1990 đã đào đắp xấp xỉ 12 km đê, bao kè mái 7km. Bên cạnh đó với quyết tâm biến vùng này thành khu dân cư trù phú nên việc kiến thiết nội đồng được công trường hết sức quan tâm, ngay từ đầu năm 1982 khi công trường đang gặp hết sức khó khăn thì vấn đề khơi kênh Cà Mâu để chuẩn bị đưa nước ngọt ra vùng bãi bồi đã được tiến hành. Thừa kế kinh nghiệm thiết kế nội đồng làng xóm khu dân cư của nhà doanh điền Nguyễn Công Trứ, mô hình tổng thể của công trình được xác định là hệ thống đường xương cá, cống tiêu, kênh rạch nội đồng và con đê biển là một chỉnh thể không thể tách rời.

Việc kiến thiết nội đồng cũng khó khăn không kém gì việc đắp đê bao, có những đường trục như nhánh BM7 phải đắp đi đắp lại nhiều lần, khiến cho Trung đoàn có nhiều kinh nghiệm quai đê lấn biển như trung đoàn 855 cũng rất vất vả, nhưng rồi khó khăn cũng phải đầu hàng trước sự quyết tâm của những người lĩnh mở đất, các đường giao thông, các kênh tưới, kênh tiêu, các cầu cống được dần hình thành đã làm thay đổi toàn bộ cảnh quan của một vùng bãi bồi đầy lau sậy mênh mông.

Với sự hỗ trợ của trung ương, dưới sự lãnh đạo của BCH Đảng bộ Tỉnh bộ Hà Nam Ninh sự đồng tình hưởng ứng và tham gia tích cực của huyện Kim Sơn, sự khởi sướng đầy táo bạo của bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Nam Ninh, sự quyết tâm sắt đá đầy năng động kiên định của bộ tư lệnh quân khu III, sự tham gia đầy thủy chung gắn bó của của Quân đoàn I cùng với Bộ Tư lệnh Công binh, các đội thanh niên xung phong, các doanh nghiệp và nhân dân trong vùng, một thành quả vĩ đại đã thành công đó là đã đào đắp 11.764 mét đê bao, kè mái 7000m, xây đúc một số cống lớn dưới đê như: CT-I, cống ra cửa Càn, CT3 Cống ra cửa Đáy, một vùng đất mới với hàng ngàn ha đầy tiềm năng được mở ra. Đây chính là tiền đề quan trọng cho quá trình ra đời, phát triển của 3 xã: Kim Hải (01-4-1986), xã Kim Trung (23-11-1993) và  xã Kim Đông (7-11-1997).

Như vậy chỉ từ năm 1980 sự thay đổi kỳ diệu ở mảnh đất này diễn ra mạnh mẽ mơ ước “quai đê lấn biển” mở mang bờ cõi xây dựng vùng kinh tế mới, củng cố tuyến phòng thủ ven biển đã được thực hiện bằng sự có mặt của 3 đơn vị hành chính với số dân ban đầu là 5374 người, quản lý diện tích là 1.601,81ha cùng với sự có mặt của các đơn vị quân đội, các doanh nghiệp đã mở ra trang mới cho sự phát triển kinh tế, xã hội đặc biệt là khai thác thế mạnh từ biển của Kim Sơn.

          II. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH XÃ KIM TRUNG

Khi đê Bình Minh II hoàn thành một diện tích đất đai rộng lớn với 1.932 ha được mở ra. Để khai thác vùng đất mới, được sự đồng tỉnh của lãnh đạo tỉnh Hà Nam Ninh, Ban kinh tế mới huyện Kim Sơn tổ chức vận động nhân dân trong và ngoài huyện ra trồng cói bãi, khai thác bãi bồi. Khi công cuộc đưa nhân dân đi khai hoang trồng cấy cói tại khu vực bãi bồi của huyện do Ban kinh tế mới huyện trực tiếp chỉ đạo đã thu được nhiều kết quả thắng lợi, bước đầu đã hình thành tổ, nhóm, đội trực tiếp bám trụ để lao động sản xuất.

Năm 1985, Huyện uỷ, ủy ban nhân dân huyện Kim Sơn có chủ trương thành lập xã Kim Hải và giao cho Ban kinh tế mới tham mưu, chuẩn bị các điều kiện để thành lập xã mới. Ngày 01/4/1986, Hội đồng bộ trưởng[1] đã ban hành Quyết định số 34/HĐBT thành lập xã Kim Hải với diện tích là 512 ha, dân số gồm  352 hộ, 1500 khẩu.

Phần diện tích còn lại do các đơn vị quân đội đã tham gia quai đê lấn biển quản lý. Diện tích xã Kim Trung hiện nay thuộc đơn vị Bộ chỉ huy quân sự Tỉnh Hà Nam Ninh và một phần do Lữ đoàn Công binh 279 quản lý. Thực tế phần lớn diện tích này sú vẹt, lau sậy cỏ dại trong đó có một số diện tích cói do nhân dân các xã trong huyện và quân đội đã cấy từ trước khi quai đê một số diện tích thùng đào, thùng đấu đào đắp đê đắp đường thì có hải sản tự nhiên như cua rèm, tôm cá tạp. Để khai thác diện tích này, các đơn vị đã cho người dân các vùng lân cận đến đấu thầu nộp sản hằng năm cho đơn vị để họ tự quản lý diện tích đó đánh bắt hải sản và thu hoạch cói. Những khu vực này được coi là “ bất khả xâm phạm” ai ra vào dù là kiếm củi, cắt cỏ cũng phải được sự đồng ý của chủ thầu.

Để khai thác có hiệu quả tiềm năng của vùng đất mới, năm 1992, UBND Tỉnh Ninh Bình đề nghị với Bộ quốc phòng và Bộ tư lệnh Quân khu III giao diện tích của tỉnh đội Hà Nam Ninh và Lữ đoàn 279 cho Ninh Bình để thành lập xã mới Kim Trung. Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện Kim Sơn lập tờ trình với thủ tướng chính phủ xin thành lập xã mới, đồng thời vận động nhân dân ở một số huyện trong tỉnh như Gia Viễn, Tam Điệp, Kim Sơn cũng như các tỉnh, huyện khác trong cả nước đến khai hoang, định cư tại vùng đất mới.

 Hưởng ứng cuộc vận động của tỉnh, từ tháng 2-1993 nhân dân các nơi đã lần lượt kéo về tập trung tại vùng đất mới để nhận đất vượt thổ, làm nhà, nhận diện tích khai hoang phục hoá trồng cói, bước đầu ổn định cuộc sống và tổ chức sản xuất, đến cuối tháng 10/1993 đã có trên 400 hộ dân, với trên 2000 nhân khẩu. Dưới sự điều hành của Ban kinh tế mới huyện Kim Sơn các hộ dân được chia đất để làm nhà và sản xuất. Hộ có từ 2 khẩu đến 4 khẩu cho mượn 0,4 ha. Hộ từ 5 khẩu trở lên mượn 0,5 ha, mỗi hộ được giao 1000m2 để làm thổ cư. Sau khi được nhận đất, các hộ dân bắt tay ngay vào quá trình tạo dựng cuộc sống tại vùng đất mới.

  Cuộc sống của những người đi mở đất bước đầu gặp phải rất nhiều khó khăn vì cốt đất quá so với các xã bên như Kim Hải, Kim Đông, vì vùng đất này nằm trên “Chói Cồn”,  muỗi thì nhiều vô kể, bên cạnh đó là thiếu nước ngọt trầm trọng, thủy lợi nội đồng phục vụ tưới tiêu, giao thông đi lại cực kỳ khó khăn. Mặc dù vậy, những người dân đến đây cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, của huyện và quê hương cũ đã kiên cường bám trụ, khắc phục khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống tại quê hương mới. Và đây chính là tiền đề quan trọng để ngày 23-11-1993 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/NĐ- CP thành lập xã Kim Trung với.  diện tích 500ha, dân số 2170 khẩu.

Kể từ đây, xã Kim Trung chính thức trở thành đơn vị hành chính mới của huyện Kim Sơn, là xã thứ 26 của huyện và cũng là đơn vị có vị trí chiến lược về kinh tế,  quốc phòng ở vùng bờ biển quan trọng này.

  III. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN-XÃ HỘI VÀ TRUYỀN THỐNG

Xã Kim Trung nằm ở phía Nam huyện Kim Sơn có diện tích tự nhiên là 500ha. Phía bắc giáp đê Bình MinhI, phía Nam giáp đê Bình Minh II, phía Đông giáp xã Kim Đông, phía Tây giáp diện tích thuộc đơn vị 279. Địa hình tương đối bằng phẳng, thấp dần ra biển, chủ yếu là đất thịt pha cát dày từ 1-1,2m do phù sa bồi đắp.

  Kim Trung nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa ven biển thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa bão, tổng lượng mưa trung bình hàng năm từ 1900-2200mm, nhiệt độ trung bình năm 23,4oC. Là xã ven biển nên chịu ảnh hưởng đầu tiên của chế độ nhật triều không đều, biên độ trung bình 1,4m lớn nhất có thể đặt 2,8m trong tháng có 2 kỳ nước lớn mỗi kỳ 14 ngày vơi biên độ 1,5 đến 2,5m trong thời kỳ nước cường mỗi ngày xuất hiện một đỉnh và một chân triều, hoạt động này mang lại nhiều thuận lợi cho việc tưới nước cũng như bồi đắp thêm lượng phù sa mầu mỡ cho đồng ruộng nhưng đôi khi cũng làm cho đất và nước nhiễm mặn ảnh hưởng không nhỏ trong sản xuất.

  Khi mới thành lập xã đồng đất Kim Trung đang trong thời khai hoang phục hóa; chủ yếu chỉ trồng cói trồng lúa một vụ và khai thác thủy sản, nhưng đất nhiễm mặn năngj nên năng suất lúa thấp chỉ đạt 27 tạ/ha. Vì vậy, từ năm 2001toàn bộ diện tích cói, lúa kém hiệu quả đã được chuyển sang nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích là … ha,   

Hệ thống đường giao thông của xã gồm các đường liên xã từ Kim Đông sang Kim hải, đường phía Nam kênh tưới cấp 1. Đường BM5,BM5’, BM6-BM6’-BM7 các đường xương cá 2-3-4, từ BM5 đến BM7, ngày mới thành lập tất cả các con đường đều là đường đất đi lại rất khó khăn, đến nay với sự hỗ trợ của tỉnh, huyện và sự đóng góp của nhân dân đã có 38,91 km đường giao thông được nâng cấp, trong đó 21,435 km bê tông hóa

Đặc biệt đê Bình Minh I, Bình Minh II được Trung ương đầu tư nâng cấp, đổ bê tông mặt đường từ 5-6 mét mặt đê đã giúp rất nhiều cho việc bảo vệ đồng điền, đi lại của nhân dân thuận lợi.

  Hệ thống thủy lợi nội đồng gần hoàn chỉnh, với các kênh tưới tiêu cấp 1-2-3, cùng hệ thống cống lớn đều đã được hình thành và đi vào hoạt động như cống CT2, CT6 dưới đê BM2 đã giải quyết tưới tiêu cho vùng nuôi thủy sản 258ha được thuận lợi.

  Dân cư xã Kim Trung ngày mới thành lập có 516 hộ, 2170 khẩu, đến nay đã có 985 hộ với 3.850 khẩu, được phân bổ ở 6 xóm. Đây là một xã có mặt nhân dân của 56 xã thuộc 7 Tỉnh trong cả nước. Vì vậy tạo nên nét văn hóa đa dạng mầu sắc của vùng miền nhân dân đến đây gây dựng, hội tụ vừa lao động sản xuất vừa hòa quyện cách sống, nếp sinh hoạt tạo nên nét văn hóa của một xã mới huyện Kim Sơn.

  Tuy phải bươn trải với cuộc sống ở vùng dát mới, những người dân ở đây rất hiếu học, số học sinh thi đỗ vào các trường THPT, cao đẳng, đại học ngày càng cao. Từ năm 2001-2012 đã có 94 học sinh thi đỗ vào các trường Đại học và cao đẳng.

  Dân xã Kim Trung theo 2 tôn giáo chính là Công giáo và Phật giáo. Trong đó tỷ lệ dân số theo đạo Công giáo chiếm 49%, trên địa bàn xã có 1 nhà thờ giáo xứ và 1 chùa.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ, điều hành của uỷ ban nhân dân và sự đồng tình của nhân dân. Ngoài việc làm đường giao thông nông thôn, xã đã xây dựng được trường Tiểu học, trường Trung học cơ sở, trụ sở làm việc của Đảng uỷ-Hội đồng nhân dân-Uỷ ban nhân dân, trạm y tế xã khang trang, hiện đại. Hiện tại 3 xóm của xã đã có nhà văn hoá phục vụ nhu cầu sinh hoạt, hội họp, …% hộ gia đình có nhà mái ngói hoặc kiên cố, 100% hộ được sử dụng điện ../6 đạt khu dân cư văn hoá cấp huyện, ….  đạt danh hiệu gia đình văn hoá.

Với những cố gắng trên, những năm gần đây Đảng bộ xã Kim Trung, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của xã đã được các cấp ghi nhận, tặng thưởng nhiều bằng, giấy khen các loại.  Đây là động lực tinh thần vô cùng cần thiết để đảng bộ Kim Trung phát triển mạnh mẽ, khai thác có hiệu quả vùng đất giầu tiềm năng trong những năm tới. 

Nguồn: Lịch sử Đảng bộ xã Kim Trung

[1] Nay là Chính phủ

BẢN ĐỒ TP NINH BÌNH

Tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập